Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

Vì sao trẻ bị mập mờ về giới tính?


Vì sao trẻ bị mập mờ về giới tính?

Nhiễm sắc đồ của một bé trai bình thường.

Nhiều đứa trẻ sinh ra có dương vật quá bé hoặc cơ quan sinh dục ngoài không rõ ràng (ái nam ái nữ) mặc dù xét về nhiễm sắc thể, đó là em bé trai. Nguyên nhân có thể là bất thường về hoóc môn hoặc nhiễm sắc thể.

Thông thường, những trẻ có nhiễm sắc đồ là 46, XX khi sinh ra sẽ là con gái; trẻ có nhiễm sắc đồ 46, XY sẽ là con trai. Nhưng đôi khi, do những trục trặc trong tiến trình biệt hóa giới (diễn ra trong 6-7 tuần lễ đầu của thai kỳ) nên trẻ 46, XY có cơ quan sinh dục không ra nữ, không ra nam. Có nhiều yếu tố dẫn đến tình trạng này.
Hội chứng không nhạy cảm bộ phận với androgen: Hội chứng này ảnh hưởng đến những cá thể có nhiễm sắc đồ 46, XY, khiến trẻ sinh ra có cơ quan sinh dục ngoài lớn hơn âm vật nhưng nhỏ hơn dương vật, có thể có dính một phần môi lớn/bìu. Nguyên nhân là có những bộ phận không đáp ứng với androgen. Hai tinh hoàn có thể không di chuyển xuống bìu, lỗ niệu đạo lạc chỗ đến tầng sinh môn. Ở tuổi dậy thì, bệnh nhân có vú phát triển kiểu nữ cùng với lông mọc thưa ở mu và nách.
Nếu mắc hội chứng không nhạy cảm hoàn toàn với androgen, những cá thể có nhiễm sắc đồ 46, XY sẽ phát triển cơ quan sinh dục ngoài kiểu nữ, mặc dù vẫn có tinh hoàn trong ổ bụng.

Loạn sản không hoàn toàn tuyến sinh dục: Đặc trưng của bệnh này là sự biệt hóa không hoàn toàn tinh hoàn nên thường có cơ quan sinh dục ngoài không rõ ràng khi sinh ra. Ở những bệnh nhân bị loạn sản tuyến sinh dục hoàn toàn, cơ quan sinh dục ngoài lại phát triển theo kiểu nữ do lượng androgen không đủ để nam tính hóa các mầm mống sinh dục.

Thiếu hụt enzym 5-reductase: Khi thai phát triển, các tuyến sinh dục biệt hóa để thành tinh hoàn bình thường. Tuy nhiên, những cá thể thiếu enzym 5-reductase không thể chuyển testosterone thành dihydrotestosterone (DHT) - một chất cần thiết để cơ quan sinh dục ngoài được nam tính hóa bình thường. Kết quả là trẻ ra đời với tinh hoàn hoạt động nhưng dương vật bé giống như một âm vật và bìu giống như môi lớn.
Đến tuổi dậy thì, bệnh nhân cũng có cơ bắp phát triển, giọng nói trầm, dương vật to ra (mặc dầu khó có thể đạt được chiều dài bình thường); có sản xuất tinh trùng nếu tinh hoàn không bị tổn thương. Lông mọc khá nhiều ở mu và nách nhưng không có hoặc ít râu.
Thiếu sót trong sự tổng hợp testosterone: Testosterone được tạo ra từ cholesterol qua nhiều bước chuyển tiếp sinh hóa. Ở một số cá thế, một trong những enzym cần cho sự chuyển tiếp nói trên bị thiếu nên không thể tạo ra lượng testosterone bình thường, mặc dù vẫn có tinh hoàn. Việc thiếu hoàn toàn sự tổng hợp testosterone ở những cá thể 46, XY sẽ sinh ra những trẻ có cơ quan sinh dục hoàn toàn kiểu nữ. Còn tình trạng thiếu không hoàn toàn sẽ khiến cơ quan sinh dục của trẻ bị mập mờ.

Thiếu androgen: Hoóc môn này rất cần thiết ở 2 thời điểm phát triển của thai, đảm bảo sự tạo thành một dương vật bình thường. Ở giai đoạn sớm, nó giúp nam tính hóa các mầm mống bài thai, chuẩn bị chuyển thành dương vật và bìu. Ở giai đoạn muộn, nó làm cho dương vật to ra. Nếu thai nhi có bài tiết androgen ở giai đoạn sớm nhưng về sau lại bài tiết ít thì dương vật không phát triển được về kích thước. Trẻ vẫn là con trai thực sự và có 2 tinh hoàn.
Đến tuổi dậy thì, nếu được điều trị bằng testosterone thì có thể làm cho dương vật to ra, tuy khó đạt được kích thước bình thường.

Thiếu sót về thời điểm biệt hóa: Tiến trình biệt hóa nếu không diễn ra đúng thời điểm sẽ gây trở ngại đến sự phát triển bình thường của cơ quan sinh dục ngoài. Nếu biệt hóa chậm vài tuần, trẻ sinh ra có thể bị mập mờ về cơ quan sinh dục ngoài.

Quá sản bẩm sinh tuyến thượng thận: Trong trường hợp này, androgen nguồn gốc thượng thận quá nhiều, dẫn đến sự không rõ ràng ở cơ quan sinh dục ngoài; trẻ có âm vật to và môi lớn dính nhau trông giống như bìu, mặc dù vẫn có nhiễm sắc đồ 46, XY. 
Có nhiễm sắc đồ hình khảm 45, XO/46, XY: Hình khảm nghĩa là có 2 hay hơn 2 nhiễm sắc thể ảnh hưởng đến sự phát triển của cá thể. Hình khảm 45, XO/46, XY thể hiện bệnh cảnh pha trộn liên quan đến nhiễm sắc thể Y, với sự biệt hóa giới không rõ ràng. Một phần tinh hoàn đã biệt hóa, có androgen bài tiết ở mức độ nhất định, cơ quan sinh dục ngoài không rõ ràng. Trẻ có thể sinh ra với bề ngoài là nam, nữ hay không rõ ràng. Đến tuổi dậy thì, nếu được điều trị bằng liệu pháp estrogen thì trẻ sẽ nữ hóa, điều trị bằng testosterone thì nam hóa.
Hội chứng Kinfelter: Xảy ra ở những người có nhiễm sắc đồ 47, XXY. Đến tuổi dậy thì, bệnh nhân có vú phát triển kiểu nữ, bài tiết androgen ít, tinh hoàn bé và tinh trùng ít. Mặc dù bệnh nhân có sự biệt hóa bình thường ở cơ quan sinh dục ngoài nhưng dương vật thường bé hơn so với người bình thường.
BS Đào Xuân DũngSức Khỏe & Đời Sống

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét