Trẻ chăm chạy nhảy sẽ bị loãng xương muộn hơn
Các bé gái thường xuyên vận động chạy nhảy sẽ bị loãng xương muộn hơn so với trẻ bình thường khi trưởng thành, do có bộ xương cứng cáp hơn. Các nhà khoa học Anh vừa công bố phát hiện này hôm nay, sau khi tiến hành nghiên cứu trên 80 bé gái trong vòng 2 năm.
Nghiên cứu do các nhà khoa học thuộc Bệnh viện Nhi và Đại học Columbia (Anh) tiến hành. Trong số 80 bé gái, 34 em được theo một chế độ luyện tập đặc biệt, đều đặn trong các tiết giáo dục thể chất. Những vận động chủ yếu là nhảy cao tại chỗ, nhảy bật sàn, nhảy xa, nhảy sang 2 bên, kết hợp với chạy. Cường độ của vận động tăng dần. 46 em còn lại không tham gia loại hình tập luyện nào.
Kết quả cho thấy, những em hoạt động theo chế độ trên 3 lần/tuần trong suốt thời gian đi học có khả năng hấp thu khoáng chất bổ sung cho xương tốt hơn 5% so với trẻ không luyện tập.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, chế độ vận động mà nghiên cứu đưa ra là an toàn, hiệu quả và tương đối đơn giản. Nó có thể được đưa vào các tiết giáo dục thể chất ở cấp tiểu học, nhằm tăng cường sự tích luỹ khoáng chất trong xương cho trẻ.
Loãng xương là hiện tượng mất xương, khiến xương trở nên giòn và dễ gãy. Bệnh thường đi kèm với tuổi già và hay gặp ở phụ nữ mãn kinh do khả năng sản sinh hoóc môn sinh dục nữ oestrogen giảm. Vận động thể chất ở mọi hình thức đều là sự kích thích quan trọng cho sự phát triển của bộ xương. Thai nhi hay đạp, hoặc chuyển động trong bào thai cũng giúp cho bộ xương có sự phát triển khởi đầu tốt hơn.
(theo Reuters)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét