Khi uống 1 lon nước tăng lực dung tích 200-330 ml với lượng đường tối thiểu 15%, bạn đã dùng 30-49,5 g đường. Con số này vượt quá mức đường tối đa có thể dùng mỗi ngày (20 g) theo khuyến cáo của ngành y tế. Việc dùng quá nhiều nước tăng lực có thể dẫn đến suy dinh dưỡng hoặc béo phì và một số căn bệnh nguy hiểm khác.
Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hưng, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM, cho biết, nước tăng lực thực chất là thức uống cao năng lượng do có hàm lượng đường cao (15-19%, trong khi ở nước ngọt có ga là 10-12%). Nó cũng có vitamin, taurine... nhưng với liều lượng rất thấp, hầu như chỉ có tác dụng "làm cảnh" để quảng cáo.
Nước tăng lực không phải là thực phẩm bổ dưỡng vì nó không cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu. Một chất được gọi là chất dinh dưỡng thiết yếu khi có đủ 3 điều kiện sau:
- Có trong thành phần cấu trúc cơ thể.
- Sự thiếu hụt nó sẽ gây một tổn thương nào đó về cấu trúc (như thiếu iốt gây bướu cổ) hoặc chức năng (thiếu sắt gây thiếu máu).
- Cơ thể không tự tổng hợp được và bắt buộc phải bổ sung qua đường ăn uống (với những thực phẩm như thịt, sữa, rau quả...).
Trên thực tế, nước tăng lực chỉ cung cấp những calori rỗng (không có các chất dinh dưỡng thiết yếu). Chất taurine trong nước tăng lực tuy là một loại axit amin nhưng cũng không phải là axit amin thiết yếu. Thành phần tạo ra sự sảng khoái của loại nước này chính là caffein, một chất kích thích thần kinh.
Yếu tố có giá trị nhất của thứ đồ uống này chính là lượng đường cao. Tuy nhiên, người ta gọi đường là kẻ cắp vì nó cung cấp nhiều calori nhưng lại không có chất dinh dưỡng thiết yếu. Việc thường xuyên uống nhiều nước tăng lực (2-3 lon/ngày) có thể gây ra một số điều bất lợi, nhất là đối với trẻ em:
- Những calori rỗng của nước tăng lực khiến người dùng luôn cảm thấy no, không muốn ăn và ăn không đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu. Hậu quả là bị thiếu dinh dưỡng, dẫn đến suy dinh dưỡng. Những người suy dinh dưỡng rất dễ bị nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm lao (tỷ lệ nhiễm vi trùng lao ở Việt Nam là 46%).
- Những người uống nhiều nước tăng lực mà vẫn ăn ngon miệng có nhiều nguy cơ bị béo phì. Người béo phì rất dễ bị bệnh tiểu đường, cao huyết áp, đột quỵ, tai biến mạch máu não, bệnh lý xương khớp... Có đến 30% trường hợp ung thư ở nam giới và 60% trường hợp ung thư ở nữ giới bắt nguồn từ sự ăn uống bất hợp lý (thừa đường, béo). Ở Mỹ, 70% ca tử vong được gây ra bởi các bệnh lý mạn tính không lây liên quan đến ăn uống và lối sống thụ động.
Vì những lý do trên, bạn chỉ nên dùng nước tăng lực khi đi xa, chạy, mệt mỏi... nhưng chỉ nên uống nhiều nhất 1 lon/ngày. Không nên dùng thường xuyên như một loại nước giải khát thông thường. Nếu quá mệt và không muốn ăn, bạn nên uống nước trái cây. Loại nước này sẽ cung cấp cho bạn không chỉ năng lượng mà cả những chất dinh dưỡng thiết yếu. Tuy nhiên, đối với loại nước đóng hộp được quảng cáo là nước trái cây, bạn cần tỉnh táo để phân biệt nước trái cây thật và nước ngọt pha hương liệu. Trên nhãn nước trái cây thật có đề rõ ràng là "nước cốt trái cây", "nước ép trái cây" hay "nước trái cây nguyên chất"; trong khi nước ngọt pha hương liệu không có những dòng chữ này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét