Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2012

Nước tăng lực: lợi hay hại?


Nước tăng lực: lợi hay hại?

"Con trai tôi rất thích uống nước tăng lực. Sáng uống, trưa uống, chiều uống, tối uống. Chiều con, lúc nào trong nhà tôi cũng có nước tăng lực. Cháu bảo vì nước uống ngọt và hình như cháu khỏe ra nhiều sau mỗi lần uống".
Chị Thu (Nghĩa Tân) tâm sự trong một lần đưa con vào công viên Nghĩa Đô chơi. Đứa con 7 tuổi của cô sau mỗi lần chạy đến chỗ mẹ "tu" một hơi lon nước tăng lực với vẻ sảng khoái.
Nước tăng lực hiện nay đã trở nên phổ biến ở Việt Nam. Rất nhiều trẻ em yêu thích loại nước này. Thế nhưng có lẽ chị Thu cũng như rất nhiều người mẹ khác chưa nắm được thông tin rằng, chỉ nên cho con uống tối đa 2 lon nước tăng lực (không quá 500ml) mỗi ngày. Nếu quá lượng này, sức khỏe của con người sẽ bị ảnh hưởng. Và nước tăng lực không phải là "thần dược".
Nước tăng lực chứa những chất gì?
Về cơ bản, các hợp chất tạo nên nước tăng lực đều có những tác dụng nhất định để phù hợp với tên gọi "tăng lực". Chủ yếu nhất trong nước tăng lực là đường glucose, chất đường để tạo calo. Chất chiếm lượng lớn thứ 2 trong nước tăng lực là caffein còn giúp gây ra cảm giác đói bụng, kích thích sự thèm ăn. Mỗi lon nước tăng lực chứa từ 23 - 240mg caffein.
Tiếp theo là các chất như: Vitamin B5 giúp việc biến dưỡng chất glucide và chất lipide, tác dụng trên hệ thần kinh và trên tuyến nang thượng thận, bởi vậy người ta còn gọi nó là loại vitamin chống lại stress; Glucoronolactore - một loại glucose có tính giải độc. Mỗi lon nước có chứa từ 10 - 1.200mg chất này. Guarana - một loại thực vật Nam Mỹ có hoạt chất là cafein. Guarana chứa một lượng caffein nhiều gấp 2 - 3 lần lượng caffein có trong hạt cà phê.

Ginkgo biloba (bạch quả) - chiết xuất từ lá bạch quả giúp làm chậm lại sự xuất hiện các trường hợp lú lẫn Alzheimer, điên loạn (démence) ở người già. Ginseng (sâm) giúp tập trung tư tưởng và các hoạt động cần đến thể lực, bồi bổ cơ thể ở những người đang bị mỏi mệt và suy yếu. Inositol, tương tự như những vitamin nhóm B, giúp hệ thần kinh hoạt động tốt. Taurine - một amino acid giúp vào việc ổn định màng tế bào não bộ và giúp cho hoạt động co thắt của tim...
Nó cũng là một neurotransmittor giúp chuyển vận mệnh lệnh thần kinh. Tác dụng về lâu dài của taurine trên sức khỏe con người chưa được biết rõ. Bởi lý do này, nhiều quốc gia cấm việc sử dụng taurine trong dinh dưỡng. Mỗi lon nước tạo sinh lực có vào khoảng từ 150 - 2.000mg taurine, riboflavine (vitamine B12), Niacine (B3), Pyridoxine (B6) và Cobolamine (B12). Các vitamin nhóm B tổng hợp rất cần thiết để tạo năng lực từ thực phẩm, yểm trợ hệ thần kinh trung ương và giúp tim mạch hoạt động tốt.
Lợi hay hại? 
Với những chất thiết yếu có trong một lon nước tăng lực, về cơ bản, loại nước này giúp người uống khỏe khoắn, tỉnh táo, dễ tập trung tư tưởng. Nhưng liệu chúng ta có thể sử dụng nó "vô tư" như một loại thực phẩm bổ dưỡng hay không?

Câu trả lời là không. Vì nước tăng lực không cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu. Nó chỉ cung cấp những calori rỗng (không có các chất dinh dưỡng thiết yếu). Chất taurine trong nước tăng lực tuy là một loại acid amin nhưng cũng không phải là acid amin thiết yếu. Thành phần tạo ra sự sảng khoái của loại nước này chính là caffein và yếu tố có giá trị nhất của thứ đồ uống này chính là lượng đường cao.

Tuy nhiên, người ta gọi đường là "kẻ cắp" vì nó cung cấp nhiều calori nhưng lại không có chất dinh dưỡng thiết yếu. Khi uống 1 lon nước tăng lực dung tích 200 - 300 ml với lượng đường tối thiểu 15%, chúng ta đã dùng 30 - 49,5g đường. Con số này vượt quá mức đường tối đa có thể dùng mỗi ngày (20g) theo khuyến cáo của nhà y tế. Việc thường xuyên uống nhiều nước tăng lực (2 - 3 lon/ngày) có thể gây ra một số điều bất lợi, nhất là đối với trẻ em.

Những calori rỗng của nước tăng lực khiến người dùng luôn cảm thấy no, không muốn ăn và ăn không đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu. Hậu quả là bị thiếu dinh dưỡng, dẫn đến suy dinh dưỡng. Những người suy dinh dưỡng rất dễ bị nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm lao (tỷ lệ nhiễm vi trùng lao ở Việt Nam là 46%). Ngược lại, những người uống nhiều nước tăng lực mà vẫn ăn ngon miệng có nhiều nguy cơ bị béo phì.

Người béo phì rất dễ bị bệnh đái tháo đường, cao huyết áp, đột quỵ, tai biến mạch máu não, bệnh lý xương khớp... Có đến 30% trường hợp ung thư ở nam giới và 60% trường hợp ung thư ở nữ giới bắt nguồn từ sự ăn uống bất hợp lý (thừa đường, béo). Ở Mỹ, 70% ca tử vong được gây ra bởi các bệnh lý mạn tính không lây, liên quan đến ăn uống và lối sống thụ động.
Năm 2000, giới y khoa quốc tế bắt đầu quan tâm đến tính an toàn của tất cả các loại nước tăng lực bán trên thị trường sau vụ một cầu thủ bóng rổ trẻ tuổi người Ireland chết ngay trên sân đấu vì đã "ực" một hơi ba bốn lon tăng lực của một hãng nổi tiếng trước trận đấu. Các bác sĩ cho biết, nạn nhân chết vì hội chứng rối loạn nhịp tim và họ nghi do tác dụng của hai chất taurine và caffein chứa trong những lon nước tăng lực gây ra. Từ đây, giới khoa học bắt đầu nghĩ đến mối liên hệ tiêu cực có thể có giữa nước tăng lực và sức khỏe.
Một vài lời khuyên
Chúng ta chỉ nên dùng nước tăng lực khi thật sự cần thiết như đi xa, quá mệt mỏi và cũng chỉ nên uống nhiều nhất 1 lon/ngày, không nên dùng nước tăng lực thường xuyên như một loại nước giải khát thông thường.
Đừng bao giờ pha nước tăng lực với các loại rượu mạnh như Vokla, Whiskey hoặc uống chung với bia. Caffein là chất lợi tiểu, làm cho cơ thể bị mất nước và mất chất điện giải. Phối hợp chất kích thích caffein với chất làm suy nhược tinh thần như rượu, bia có thể dẫn đến sự xáo trộn nhịp tim.
Không nên dùng nước tăng lực ngay trước hay sau một cuộc tranh tài gay go về thể lực. Nước tăng lực không giúp tái nạp nước trong cơ thể và còn làm cho tim mệt hơn.
Không nên dùng nước tăng lực nhằm mục đích để giải khát. Để tránh tình trạng bị mất nước vì caffein, nên uống thêm nước.
Trẻ em, phụ nữ đang mang thai, đang cho con bú và những người nhạy cảm với caffein đều không nên uống nước tăng lực.
Cần cảnh giác với những lời quảng cáo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét