Thứ Ba, 4 tháng 10, 2011

Gừng tươi


Có một loại “thần dược” sau khi dùng 2 phút là cắt cơn hắt hơi dữ dội, cho phép người bệnh lại tiếp tục bữa ăn như thường. Đó là miếng gừng tươi đã cạo sạch vỏ.
Những người có bệnh viêm mũi dị ứng hoặc dị ứng thời tiết, thường bị hắt hơi rất dữ dội (cả 4 mùa) khi bị lạnh đột ngột. Hắt hơi nguy hiểm nhất là khi ăn, vì thức ăn có thể chui vào đường thở gây sặc. Trong bữa tiệc, hắt hơi có thể làm phiền người khác do thức ăn bắn ra dính vào quần áo của họ.


Gừng tươi
Nếu dùng các loại tân dược chống dị ứng, loại tác dụng nhanh nhất là cetirizin, sau khi uống thuốc 30 phút mới có tác dụng (loratadin 90 phút, fexofenadin 120 phút, chlopheniramin maleat 150 phút mới có tác dụng).

Trong trường hợp này, cho người bệnh “nhai ngấu nghiến” 1 miếng gừng tươi (khoảng 3 - 5g) rồi nuốt. Các hoạt chất bay hơi của gừng tươi có tác dụng kháng histamin tức thì, sẽ cắt cơn hắt hơi. Sau đó người bệnh đi rửa tay, rửa miệng, rồi tiếp tục bữa ăn. (Gừng tươi là thức ăn quen thuộc nên không ảnh hưởng đến mùi vị các món ăn như các loại tân dược chống dị ứng).

Ưu điểm của miếng gừng tươi: tác dụng cắt cơn hắt hơi rất nhanh (gấp 15 lần so với cetirizin, 60 lần so với fexofenadin); an toàn cho người bệnh, do không có tác dụng phụ (khô miệng, chóng mặt, nhức đầu mệt mỏi) như các loại tân dược chống dị ứng kể trên; giá lại cực rẻ (200 lần so với cetirizin, 900 lần so với fexofenadin).

Nhược điểm của gừng tươi: một số người chưa quen dùng vì sợ cay, những người này phải “dũng cảm lắm” mới dám nhai ngấu nghiến miếng gừng.

Để phòng thân, người có chứng “dị ứng thời tiết” khi ra khỏi nhà nên đem theo mấy lát gừng vàng đã cạo sạch vỏ để sử dụng khi cần.

Gừng tươi có thể phát huy được các hiệu quả chữa nhiều bệnh khác nhau, đồng thời cách sử dụng của nó cũng đa dạng, có thể dùng bên trong lẫn bên ngoài.

Ăn sống trực tiếp: Chỉ cần lấy gừng gọt vỏ rửa sạch, sau đó có thể sử dụng ngay. Phương pháp này đơn giản nhưng lại có hiệu quả nhanh nhất. Gừng quá già sẽ rất cay nên tránh ăn sống trực tiếp.

Làm nước uống: Dùng gừng nấu thành trà gừng, có thể thêm ít đường cho dễ uống, có tác dụng làm ấm, có thể lưu thông khí huyết, tăng huyết áp...

Dùng bên ngoài: Để sử dụng bên ngoài, có thể giã nhỏ, đắp lên vết thương nhỏ, sau đó dùng băng cố định lại, cách này có thể làm giảm sưng đau nhiễm trùng vết thương, trị côn trùng cắn và đau nhức các loại cũng rất có tác dụng. Gừng đập dập cho vào nước nóng, ngâm chân, trị phong thấp.

Gừng tươi có thể phát huy được các hiệu quả chữa nhiều bệnh khác nhau.

Làm đẹp: Gừng tươi có khả năng giúp máu lưu thông, nếu dùng gừng nấu thành nước ấm có thể giúp da dẻ mịn màng. Còn có thể dùng gừng để chế ra tinh dầu, xà bông, dầu gội đầu và các loại sản phẩm dưỡng da khác.

Gừng chứa rất nhiều nước cũng như tinh dầu, vì vậy, cách bảo quản tốt nhất là để nơi khô ráo, nếu không sẽ dễ biến chất, sinh độc, biến màu. Nếu bề ngoài của gừng khô héo, vỏ nhạt đi, điều đó biểu hiện tinh dầu đã mất, sẽ không còn tác dụng chữa bệnh. Dùng vải hoặc hộp gỗ để bảo quản gừng nên sẽ giữ được lâu.

Phải đặc biệt chú ý, gừng đã hư thì không nên sử dụng, tuy rằng ăn vào mùi vị không khác là mấy, nhưng thực ra nó sẽ sản sinh ra độc tính rất mạnh, có hại cho gan.

Chăm sóc răng thế nào cho tốt?



Theo số liệu thống kê của Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương tháng 7/2011. Có hơn 90% dân số mắc các vấn đề về răng miệng. Vậy chăm sóc sức khỏe răng miệng như thế nào mới đủ và đúng cách?
Lứa tuổi nào bắt đầu chải răng?
Việc chải răng hàng ngày phải được hình thành thật sớm khi các bé còn rất nhỏ. Việc tập cho bé thói quen chải răng vào thời điểm nào là tốt nhất vẫn còn nhiều tranh cãi. Các chuyên gia về răng hàm mặt cho rằng: Lứa tuổi tập cho các bé chải răng tốt nhất là từ 3 - 4 tuổi. Tuy nhiên, trước đó khi các răng sữa đầu tiên xuất hiện thì cha mẹ hay người trông coi các bé phải biết cách làm sạch các mảng bám tồn đọng trên răng, lợi nhằm đề phòng các bệnh răng miệng xảy ra. Cụ thể như:
- Đối với trẻ dưới 1 tuổi: Hàng ngày cha mẹ phải dùng gạc, khăn vải mềm quấn vào ngón tay trỏ của mình nhúng vào nước sôi để nguội, chà răng và nướu của bé để lau sạch răng cho các bé.


- Đối với trẻ được 1 - 2 tuổi: Ngoài việc hàng ngày dùng khăn, gạc lau răng, nướu của bé, cha mẹ phải chải răng cho các bé và tập cho các bé hình thành thói quen chải răng với loại bàn chải có lông mềm, nhỏ phù hợp với lứa tuổi.

- Đối với trẻ từ 3 tuổi trở lên: Các bé có thể tự chải răng (đánh răng) với sự giám sát của cha mẹ.

Việc nhắc nhở các bé chải răng sạch, kỹ đều đặn hàng ngày là rất quan trọng là giúp các bé hình thành thói quen chải răng sớm ngay sau các bữa ăn chính và trước khi đi ngủ, nhằm loại bỏ các mảng bám thức ăn tồn đọng trên răng làm sạch răng lợi. Nếu chúng ta không chăm sóc răng nướu sạch sạch sẽ, cẩn thận thì đây chính là nguyên nhân gây nên bệnh sâu răng, nha chu.

Chải không đúng cách có thể gãy răng.

Nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh: “Khi chăm sóc răng miệng sớm, kỹ lưỡng thì chúng ta có thể giữ bộ răng chắc khỏe suốt đời”. Nhưng vấn đề quan trọng là chải răng như thế nào là tốt và có hiệu quả nhất để phòng ngừa các bệnh răng miệng. Theo các chuyên gia nếu chải răng không đúng cách như: Kéo ngang như kiểu kéo cưa sẽ làm sụt chân răng, co lợi, răng sẽ bị mòn, thậm chí gãy luôn răng.Thao tác chải ngang này chỉ cho phép với mặt nhai.

Chải răng đúng cách sẽ tránh được sâu răng.

Thao tác chải đúng là đặt bàn chải nghiêng 45 độ ngay dưới nướu răng. Chải nhẹ nhàng theo chiều thẳng đứng hoặc theo hình tròn trên răng và nướu. Lặp lại động tác này đối với tất cả các răng. Chải mặt ngoài, mặt trong của răng theo chiều thẳng đứng. Đối với mặt nhai của răng, chải nhẹ theo chiều ngang. Lưu ý khi chải mặt ngoài, mặt trong của răng chải với động tác rung nhẹ tại chỗ nhiều lần, vừa rung vừa di chuyển bàn chải về phía mặt nhai, mỗi vùng lặp lại từ 6 - 10 lần.

Việc chọn bàn chải đánh răng cũng quan trọng không kém, nên chọn bàn chải có lông mềm vừa phải, đầu nhỏ để có thể vào được góc trong cùng của hàm răng. Nếu chọn bàn chải cứng sẽ làm tổn thương đến răng và nướu. Khi chải răng cũng không nên chải quá mạnh vì hành động này không làm sạch được răng mà còn khiến bàn chải chóng hỏng.

Một ngày chải răng mấy lần?

Các chuyên gia khuyến cáo nên chải răng mỗi ngày bằng kem đánh răng có fluor ít nhất 2 lần sau các bữa ăn. Vì sau khi ăn (đặc biệt là với các thức ăn nhiều chất bột, đường), chỉ cần 5 - 10 phút là vi khuẩn đã làm lên men axit có khả năng phá thủng men răng. Bởi vậy, một trong những biện pháp phòng sâu răng hữu hiệu mỗi ngày là: ăn bao nhiêu bữa thì chải răng sau bữa ăn bấy nhiêu lần. Thời gian để chải răng ít nhất là 2 phút. Nếu khó thực hiện việc này đều đặn thì có thể uống nhiều nước hơn sau khi ăn. Đây cũng là cách để súc miệng, giúp làm trôi bớt các mảng bám trên răng, giúp răng sạch khỏe.

Vì vậy, nếu chúng ta chăm sóc răng miệng sớm, cẩn thận, kỹ lưỡng, chải răng đều đặn hàng ngày với kem có fluor sẽ giúp chúng ta dự phòng và tránh được bệnh sâu răng, nha chu. Đây chính là biện pháp khoa học, dễ thực hiện, tương đối rẻ tiền, hiệu quả nhất để phòng bệnh sâu răng, nha chu cho mọi người, mọi đối tượng. Làm tốt được những vấn đề nói trên sẽ giúp chúng ta có thể giữ răng - nướu khỏe suốt đời.

Mối nguy hiểm từ bệnh sâu răng

Bệnh sâu răng bắt đầu từ sự mất khoáng trên men răng. Nếu không chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, răng sâu sẽ có lỗ và tiến triển từ sâu men đến sâu ngà và viêm tủy. Đau nhức răng do kích thích (sâu ngà), đau nhức răng tự phát (viêm tủy) làm cho trẻ và ngay cả người lớn khó khăn trong ăn nhai, sinh hoạt. Việc ăn uống khó khăn làm cho tiêu hóa kém lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thân, ảnh hưởng đến tăng trưởng và phát triển... Mầm nhiễm khuẩn từ bệnh sâu răng có thể di chuyển đến tim gây viêm màng trong tim bán cấp, đến khớp gây viêm khớp, đến phổi gây viêm phổi...

Ở trẻ răng sữa sẽ dần được thay thế bằng răng vĩnh viễn. Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu tâm đến việc chăm sóc tốt răng sữa của trẻ để tạo nền tảng cho một hàm răng vĩnh viễn được đẹp, chắc, khỏe.

Không cho trẻ ăn thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh.
Khi răng sữa mọc

Thế nhưng có những trường hợp răng sữa không mọc đúng lịch trình, có thể sớm hoặc muộn hơn một vài tháng. Theo các bác sĩ chuyên khoa Răng Hàm Mặt, những trường hợp ngoại lệ này không gây bất cứ ảnh hưởng nào đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Việc trẻ mọc răng trễ có thể do nhiều nguyên nhân. Trước tiên, trẻ thiếu mầm răng từ lúc còn nằm trong bụng do người mẹ ăn uống thiếu chất bổ dưỡng để tạo mầm và vôi hóa răng cho bào thai. Kế đến, nướu lợi trong mầm răng quá dày và cứng khiến mầm răng không trồi lên được. Khi gặp trường hợp này, cha mẹ cần đưa trẻ đến bác sĩ Răng Hàm Mặt để rạch nướu cho răng dễ mọc lên. Cuối cùng, do mầm răng có nhưng lại nằm ngầm trong xương, cũng cần phải đưa trẻ đi khám để các bác sĩ có hướng xử lý kịp thời.

Ở giai đoạn mọc răng sữa, trẻ thường xuất hiện các triệu chứng như: sốt, chảy nhiều nước bọt… sau vài ngày sẽ khỏi. Trong thời gian đó, cha mẹ chỉ cần cho trẻ uống thuốc hạ nhiệt, giữ gìn vệ sinh răng, rơ miệng bằng gạc sạch. Đồng thời sau mỗi lần cho trẻ bú, người mẹ cần cho trẻ uống nước để làm sạch miệng.

Ngăn chặn những thói quen xấu

Những thói quen tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển của răng và hàm, thậm chí còn làm rối loạn một số hoạt động chức năng ở vùng hàm mặt. Đặc biệt, răng sữa cũng có chức năng giống như răng vĩnh viễn. Vì thế, các bậc phụ huynh phải lưu ý, có biện pháp chấm dứt sớm những thói quen xấu này.

Lịch mọc răng sữa

Thường gặp: có tất cả 20 chiếc răng sữa, 10 ở hàm trên và 10 ở hàm dưới, chúng sẽ xuất hiện ở những thời điểm rất khác nhau ở các trẻ khác nhau:

- 4 răng cửa giữa của hàm trên và hàm dưới: 5 - 8 tháng.

- 4 răng cửa bên: 7 - 10 tháng.

- 4 răng hàm đầu tiên: 12 - 16 tháng.

- 4 răng nanh: 14 - 20 tháng.

- 4 răng hàm thứ 2: 20 – 32 tháng.

Một số thói quen ở trẻ như: mút ngón tay hay núm vú, thở bằng miệng, cắn môi dưới có thể gây ra tình trạng hô (răng và hàm trên đưa ra trước); chống cằm và cắn môi trên dẫn đến móm (răng và hàm quặp vào trong). Bên cạnh đó, trẻ nằm nghiêng một bên lâu ngày sẽ làm lệch một bên hàm; thói quen cắn bút, cắn ngón tay… làm mẻ, mịn răng và chết tủy răng. Ngoài ra, trẻ nhai thức ăn hoài một bên sẽ làm lệch mặt ở bên còn lại.

Mất răng sữa sớm - chuyện bình thường?

Đến một thời điểm nhất định, răng sữa sẽ lung lay, chân răng sữa tiêu dần và được thay thế bằng răng vĩnh viễn. Một số bậc phụ huynh có quan niệm sai lầm rằng răng sữa mất đi, răng vĩnh viễn sẽ mọc lên thay thế. Do vậy, việc chăm sóc răng miệng cho trẻ không được chú trọng, đặc biệt hễ thấy răng sữa nào bị sâu là vội nhổ. Răng sữa bị mất quá sớm (thường do bị sâu răng) không những ảnh hưởng đến ăn, nhai, phát âm mà còn làm mất thẩm mỹ khuôn mặt, ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa và sức khỏe toàn diện. Mặt khác, việc mất răng sữa sớm khiến răng kế cận bị xô lệch, dẫn đến răng vĩnh viễn mọc lên không đúng vị trí, làm sai lệch khớp cắn. Vì vậy, khi thấy trẻ có dấu hiệu lệch lạc răng và hàm, tốt nhất phụ huynh nên đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa để khám

Thường trẻ bắt đầu mọc răng sữa từ tháng thứ 6, nhưng cũng có thể sớm hơn (tháng thứ 5) hoặc muộn hơn (tháng 7 - 8). Tuy nhiên khi mọc răng hầu hết trẻ thường có các triệu trứng như: chảy nhiều nước dãi, biếng ăn, quấy khóc, khó ngủ, luôn mút ngón tay, rất thích cắn vật rắn, đôi khi có thể sốt nhẹ, lợi sưng đỏ ở vùng răng nhú lên, tiêu chảy. Do đó phụ huynh cần phải chú ý để chăm sóc trẻ trong giai đoạn mọc răng.

Mat - xa lợi cho bé bằng ngón tay sẽ giảm đau khi bé mọc răng.
Cách chăm sóc khi trẻ mọc răng:

- Trước khi răng nhú lên, bạn sẽ thấy lợi của bé đỏ và sưng to, kèm theo sốt nhẹ. Mọc răng thường làm bé bị đau và rất khó chịu, do đó bé hay quấy khóc và lười ăn, thậm chí có thể sút cân. Vì vậy bạn nên vỗ về bé, thay đổi chế độ ăn của bé bằng bột, sữa hoặc cháo loãng.

- Nếu bé sốt trên 38,5oC, bạn có thể cho bé uống thuốc hạ sốt, nhưng theo chỉ dẫn.

- Bé cũng có thể đi ngoài phân nhão, sệt 3-4 lần/ngày, trong vòng khoảng 3-7 ngày. Nếu bé đi ngoài phân sệt nhiều lần trong ngày nhưng lượng phân và lượng nước ra ít thì không cần cho uống bù nước, vẫn cho ăn uống bình thường. Nếu phân nhiều nước hoặc bé đi quá nhiều lần thì nên đưa đến bác sĩ.

- Giữ vệ sinh răng miệng tốt cho bé: Sau khi ăn, nên cho bé uống một ít nước lọc để súc miệng, sau đó lau răng bằng khăn mềm; hoặc đánh răng cho bé. Nên làm thường xuyên nhiều lần trong ngày.

- Bé có thể ngứa lợi, thích mút ngón tay, cắn các vật rắn. Do đó bạn nên chọn cho trẻ loại đồ chơi bằng chất liệu mềm, có hình tròn. Những đồ chơi vuông thành sắc cạnh rất nguy hiểm vì dễ làm tổn thương lợi và ảnh hưởng không tốt đến quá trình mọc răng của trẻ. Tốt nhất bạn hãy thay thế đồ chơi hàng ngày của bé bằng những miếng lê, táo hay cà rốt nhỏ.

- Hãy mang bé đến bác sĩ nếu tình trạng quấy khóc, không chịu ăn kéo dài trong một tuần lễ, có nguy cơ gây chậm tăng cân, sụt cân. Nếu bé chỉ ăn ít trong vài ngày thì có thể không cần đi khám.

- Nếu trẻ được 12 tháng mà chưa thấy răng nào mọc thì phải coi là bất thường do thiếu dinh dưỡng, còi xương, cần cho trẻ ăn nhiều chất đạm, uống vitamin, đặc biệt là vitamin D.

Lưu ý: Các triệu chứng khi trẻ mọc răng không bao giờ gồm sốt cao, ho, nôn mửa, tiêu chảy kéo dài, mà có thể là triệu chứng của bệnh khác, khi đó bạn cần đưa trẻ đi khám ngay.


Cỏ mần trầu

Tên khác: cỏ vườn trầu, màn trầu, màng trầu, thanh tâm thảo, cỏ chỉ tía, ngưu cân thảo. Tên khoa học: Eleusine indica (L.) Gaerth.f., họ lúa (Poaceae)

Cây thuộc thảo, sống hàng năm, cao từ 20 - 90 cm, có rễ mọc khoẻ; thân bò dài ở gốc, phân nhánh, sau đó mọc thẳng thành bụi. Lá mọc so le, hình dải nhọn. Cụm hoa là bông xẻ ngọn, có 5 - 7 nhánh dài mọc toả tròn đều ở đầu cuống chung, có thêm 1 - 2 nhánh xếp thấp hơn ở dưới. Mỗi nhánh mang nhiều hoa. Quả thuôn dài, gần như có 3 cạnh. Cây mọc hoang ở nhiều nơi.

Bộ phận dùng: Thu hái toàn cây, dùng ở dạng tươi hay khô.

Thành phần hóa học: Phần trên mặt đất có chứa dẫn chất của bê ta sitosterol và palmitoyl; cành và lá tươi có flavonoid.

Tính vị, công năng: Mần trầu vị ngọt hơi đắng, tính bình, có tác dụng hạ nhiệt, làm ra mồ hôi, tiêu viêm trừ thấp, cầm máu, tán ứ và mát gan. Liều lượng: 16 - 20 g khô hoặc 40 - 100g tươi, dạng thuốc sắc hay hoàn, thường dùng phối hợp với các vị khác.

Công dụng: Mần trầu được nhân dân dùng làm thuốc chữa tăng huyết áp, lao phổi, ho khan, sốt âm ỉ về chiều, tiểu tiện vàng và ít. Phụ nữ có thai có hoả nhiệt gây táo bón, buồn phiền, động thai, nhức đầu nôn mửa và tức ngực. Trị mụn nhọt và các chứng nhiệt độc, trẻ em tưa lưỡi.

Một số đơn thuốc có mần trầu:

Bài 1: Chữa tăng huyết áp: dùng cây tươi 500g, rửa sạch, giã nát, thêm 1 bát nước đun sôi để nguội. Lọc qua vải và vắt lấy nước cốt, thêm ít đường cho đủ ngọt. Uống 2 lần, sáng và chiều.

Bài 2: Đề phòng viêm màng não truyền nhiễm: Cỏ mần trầu 30g sắc uống trong ngày. Uống liền 3 ngày, nghỉ 10 ngày, sau đó lại uống tiếp 3 ngày nữa.

Bài 3: Chữa sốt cao co giật, hôn mê: Cỏ mần trầu 120g. Sắc với 600 ml nước, còn 400 ml, thêm ít muối, cho uống nhiều lần trong 12 giờ.

Bài 4: Mần trầu cũng một vị thuốc trong toa thuốc căn bản: cỏ tranh 8g, rau má 8g, cỏ mực 8g, cam thảo đất 8g, ké đầu ngựa 8g, mần trầu 8g, gừng tươi 2g, củ sả 4g, vỏ quýt 4g. Tác dụng của mần trầu trong đơn là giải độc, an thai, thanh nhiệt.

Bài 5: Chữa viêm da, vàng da: Cỏ mần trầu tươi 60g. Rễ cây tổ kén đực (1 loài cây dó) 30g. Sắc uống.

Bài 6: Chữa thấp nhiệt, hoàng đản: Cỏ mần trầu tươi 60g, sơn chi ma 30g. Sắc uống

Bài 7: Chữa viêm tinh hoàn; Cỏ mần trầu 60g. Cùi vải 10 cùi. Sắc uống.

Bài 8: Chữa cảm, sốt nóng, người mẩn đỏ, tiểu tiện vàng ít. Mần trầu 16g,Cỏ tranh 16g. Sắc uống.

Lưu ý: Bài thuốc số 5,6,7,8 dùng đến khi bệnh thuyên giảm thì dừng.

Mơ lông- Vị thuốc chữa bệnh đường ruột

Từ lâu, dân gian thường dùng lá mơ lông như một loại rau sống ăn kèm với một số món như: thịt chó, thịt lợn luộc, nem thính, cá rán… Tuy nhiên, ngoài công dụng như một loại gia vị, lá mơ lông còn có tác dụng chữa bệnh.



Mơ lông.

Mơ lông còn gọi là mơ tam thể, ngưu bì đồng, đại chúng diệp, ngũ hương đằng, thanh phong đằng, mao hồ lô... là một loại dây leo có nhiều lông, hay gặp ở bờ rào hoặc quấn quanh những thân cây khác, thường mọc nhiều vào mùa hè hay thu. Lá mơ mỏng, mọc đối, hình trứng hoặc hình mũi mác, đáy lá tròn hoặc hình tim, mặt trên lá màu xanh, mặt dưới màu tím đỏ, cả hai mặt lá đều phủ một lớp lông nhung trắng, nhỏ, mịn. Khi vò lá này thấy một mùi đặc biệt hôi hôi tanh tanh do trong lá chứa một loại tinh dầu có lưu huỳnh và ancaloit (paedrin).

Theo y học cổ truyền, lá mơ lông vị chua, tính bình, có công năng trừ phong hoạt huyết, chỉ thống giải độc, tiêu thực đạo trệ, trừ thấp tiêu thũng thường được dùng để chữa các chứng phong thấp (đau khớp), phúc thống (đau bụng), lỵ tật (kiết lỵ), phù thũng, thực tích (đầy bụng, chậm tiêu), cam tích (trẻ em suy dinh dưỡng), can tỳ thũng đại (gan, lách to), trúng độc, thoát giang (sa trực tràng), bối ung (mụn nhọt mọc ở lưng), bạch đới (khí hư)... nhưng thông dụng nhất vẫn là chữa các bệnh về đường tiêu hóa. Dưới đây là một số bài thuốc từ mơ lông mà dân gian vẫn thường dùng:

Chữa kiết lỵ mới phát: Lấy một nắm lá mơ tươi, thái nhỏ trộn với trứng gà cả lòng đỏ và lòng trắng, lấy lá chuối bọc lại rồi nướng chín đều để ăn hoặc cho lên chảo rán vàng không cho dầu, mỡ. Ngày ăn 2-3 lần và ăn liên tục vài ngày là khỏi. Nếu bị chứng lỵ mới phát do đại tràng tích nhiệt thì lấy một nắm lá mơ và một nắm lá phèn đen, cả hai rửa sạch, nhúng qua nước sôi, vẩy khô, giã nát, vắt lấy nước cốt uống. Uống 2-3 lần.

Hoặc các bài thuốc nam phối hợp như:


- Lá mơ lông 100g, rau sam 400g, hạt cau 100g, củ phượng vĩ 100g, cỏ sữa nhỏ lá 400g. Tất cả sao tán bột dùng 20g/ngày dùng 5-7 ngày.

- Lá mơ lông 100g, phèn đen 20g, củ phượng vĩ 20g, sao tán bột, uống ngày 20g.

- Lá mơ lông 100g, cỏ nhọ nồi tươi 100g, lá phượng vĩ 100g sắc uống trong 5-7 ngày.

- Lá mơ lông 100g, cỏ sữa lá to 100g, rau sam 100g, ngân hoa 20g, búp ổi 20g, búp sim 100g, sắc nước sánh hơi đậm, uống trong ngày dùng 5-7 ngày.

Chữa tiêu chảy do nóng: Nếu mắc chứng tiêu chảy do nhiệt với triệu chứng khát nhiều, phân khẳm, nước tiểu vàng, bụng đau quặn kèm theo đầy hơi, hậu môn nóng rát, có thể dùng lá mơ 16g, nụ sim 8g sắc cùng với 500ml nước còn 200ml, chia làm hai lần uống trong ngày.

Chữa sôi bụng, ăn khó tiêu: Lấy một nắm lá mơ tươi ăn kèm trong bữa cơm hoặc giã nát vắt lấy nước uống, ăn như vậy trong khoảng 2-3 ngày là thấy kết quả.

Lá mơ tam thể còn gọi là mơ lông (vì cả hai mặt của lá đều có nhiều lông, rất mịn), mặt trên của lá có màu xanh, mặt dưới có màu tim tím. Tên khoa học là Paederia tomentosa lour, là loại cây leo, mọc hoang ở mọi nơi (thường ở các hàng rào). Có thể trồng bằng dây (lấy những đoạn dây ở gần gốc, dài khoảng 30 cm, vùi ở hàng rào). Chỉ trồng một lần, có thể dùng nhiều năm. Ngoài việc dùng làm gia vị đối với các món ăn như thịt cầy, bê thui..., lá mơ còn là một vị thuốc để trị một số bệnh hiệu quả.

Chứng kiết lỵ, viêm ruột mãn tính: Lá mơ tam thể: 50 -100g, rửa hay lau sạch lông, giã nhuyễn, trộn với 1 - 2 quả trứng gà (cả lòng đỏ và lòng trắng), cho thêm 5 - 10g muối, trộn đều, xào hoặc cuộn vào lá chuối nướng cho đến khi có mùi thơm. Mỗi ngày ăn 2 - 3 lần liên tục trong 7 - 10 ngày, rất công hiệu.

Chứng phong tê thấp (đau nhức xương khớp, luôn có cảm giác nặng nề, bứt rứt), dùng theo hai cách:

- Uống: lấy cả lá và dây, cắt nhỏ, mỗi đoạn chừng 1 - 2 cm, sao vàng. Mỗi lần dùng 50g, sắc với 200 ml, còn 100 ml, chia đều, uống 3 lần trong ngày, liên tục 10 - 15 ngày.

- Dùng để xoa bóp: cũng dùng cả lá và thân: thái nhỏ, phơi khô, sao vàng, ngâm trong rượu (trên 40 độ) lắc đều mỗi ngày. Xoa tại các vùng đau nhức.

Ngoài ra ở một số nước, người ta còn dùng nước sắc lá mơ để trị chứng bí tiểu tiện và sỏi thận, liều dùng cũng như trên. Tuy nhiên điều này chưa được thử nghiệm ở Việt Nam.

Lá mơ lông còn được gọi là rau mơ, mơ tam thể, cây lá mơ. Theo Đông y, rau mơ có tác dụng thanh nhiệt, sát khuẩn và chữa các bệnh về đường tiêu hóa rất hiệu nghiệm.

Chữa kiết lỵ giai đoạn khởi phát: Khi bị lỵ, người bệnh đi đại tiện nhiều lần, phân lẫn máu và chất nhầy. Nếu có kèm sốt thì lấy một nắm lá mơ thái nhỏ, đập một quả trứng gà, trộn đều. Bọc hỗn hợp này bằng lá chuối, đem nướng chín. Ăn ngày ba lần, liên tục vài ngày sẽ khỏi.

Lá mơ lông giúp "an bụng", tốt cho tiêu hóa.

Nếu bị lỵ do đại tràng tích nhiệt thì lấy một nắm lá mơ và một nắm lá phèn đen rửa sạch, dội qua nước sôi để ráo, giã nát, vắt lấy nước cốt uống 2-3 lần.

Chữa chứng sôi bụng, ăn khó tiêu: Lấy một nắm lá mơ tươi, rửa sạch, ăn kèm với cơm như rau hoặc giã nát lấy nước uống. Ăn, uống liền trong 2 - 3 ngày sẽ có kết quả.

Chữa chứng tiêu chảy do nóng: Khi bị tiêu chảy do nhiệt với các biểu hiện phân khẳm, nước tiểu vàng, bụng quặn đau, đầy hơi, khát nước nhiều, hậu môn nóng rát, dùng 16 gr lá mơ, 8 gr nụ sim sắc với 500 ml nước lấy 200 ml. Uống trong ngày mỗi lần 100 ml.

Chữa đau dạ dày: Lấy 20 - 30 gr lá mơ rửa sạch, giã nát lấy nước uống mỗi ngày một lần. Kiên trì dùng sẽ có hiệu quả.

Chữa chứng bí tiểu tiện: Nếu mắc bệnh sỏi thận dẫn đến bí tiểu tiện lấy lá mơ sắc uống ngày 2 - 3 lần.

Để chữa kiết lỵ, dùng lá mơ lông 30 - 50g rửa sạch thái nhỏ, trộn với 1 quả trứng gà rồi bọc lá chuối đem nướng hoặc đặt vào chảo mà rán (không cho mỡ), ăn 2 lần trong ngày, 7 ngày liên tiếp. Để chữa chứng phong thấp, dùng rễ hoặc dây mơ lông 30 - 50g sắc uống với một chút rượu.

Để chữa chứng bối ung nên dùng 50g dây mơ lông tươi sắc uống, bên ngoài lấy lá giã nát đắp. Để chữa chứng cam tích trẻ em có thể dùng rễ mơ lông 15 - 20g hầm với dạ dày lợn 1 cái mà ăn. Để giải độc dùng rễ và dây mơ lông 100g, đậu xanh 30g sắc uống làm 3 lần, mỗi lần cách nhau 2 -3 giờ.

Trên lâm sàng, các nhà y học Trung Quốc đã nghiên cứu dùng mơ lông điều trị các chứng đau do viêm loét dạ dày, co thắt đường mật, chấn thương và đau sau phẫu thuật, chữa viêm da thần kinh, viêm tuỷ và dị ứng dạng nổi cục đạt kết quả khá tốt.